Vẫn tắc truyền tải, giải tỏa điện mặt trời
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới có buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận và các chủ đầu tư nhà máy điện năng lượng tái tạo về giải pháp giải tỏa công suất cho các nhà máy ở khu vực này.
Theo báo cáo của EVN, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 41 dự án điện gió và điện mặt trời nối lưới với tổng công suất 2.447 MW đã được phê duyệt quy hoạch. Trong đó, tính đến ngày 30/6/2019, đã có 18 nhà máy với tổng công suất 1.156 MW đưa vào vận hành. Các nhà máy này đấu nối chủ yếu qua đường dây 220 kV Tháp Chàm - Vĩnh Tân và đường dây 110 kV Tháp Chàm - Phan Rí.
Việc nhiều nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trong một thời gian ngắn đã gây quá tải cho hệ thống lưới điện từ 110 kV - 500 kV, do các dự án lưới điện truyền tải không theo kịp tiến độ xây dựng các nhà máy điện mặt trời.
Mặc dù EVN và các đơn vị trực thuộc đã triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm giải tỏa tối đa công suất của các nhà máy điện sạch hay đã báo cáo Chính phủ, Bộ Công thương bổ sung các dự án lưới điện truyền tải vào quy hoạch, nhưng trên thực tế, mọi chuyện không nhanh như mong đợi, đặc biệt là vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng.
Để tháo gỡ khó khăn trong giải tỏa công suất điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận, EVN đề xuất lắp đặt tạm 2 trạm biến áp 220 kV (Vĩnh Tân và Phước Thái), dự kiến hoàn thành trong quý II/2020 theo hình thức các nhà đầu tư lắp đặt trạm, sau đó cho EVN thuê vận hành. Với hướng này, các trạm mới sẽ cơ bản giải tỏa hết công suất cho những nhà máy điện mặt trời được đưa vào vận hành trước ngày 30/6/2019.
Đề xuất chung tay xây dựng trạm tạm cũng được các chủ đầu tư như Công ty cổ phần Xây dựng Vịnh Nha trang, Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam chia sẻ và mong muốn triển khai sớm. EVN đã kiến nghị tỉnh Ninh Thuận chủ trì, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương về cơ chế thực hiện.
Lúng túng chọn giá điện mặt trời
Cho tới thời điểm này, tức là khi mức giá ưu đãi đã hết hiệu lực hơn 3 tháng, Chính phủ vẫn chưa quyết định được mức giá mua điện mặt trời mới cho giai đoạn tiếp theo, mà trước mắt là đến hết năm 2021. Trong khoảng 6 tháng qua, đã có nhiều dự thảo về mức giá điện mặt trời mới được Bộ Công thương đưa ra, nhưng tới nay vẫn chưa quyết được mức giá nào.
Trước đó, tháng 4/2019, Bộ Công thương đã đưa ra dự thảo 4 vùng giá điện mặt trời, nhằm không tập trung nhiều dự án điện mặt trời tại các khu vực tiềm năng bức xạ tốt nên có nguy cơ quá tải lưới truyền tải. Chưa kể việc các dự án điện mặt trời chỉ tập trung tại một số vùng khiến khả năng vận hành điều độ hệ thống truyền tải sẽ khó khăn hơn, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng... càng khó khăn hơn.
Sau khi được yêu cầu nghiên cứu thêm phương án chia 2 vùng, thay vì 4 vùng như đang đề xuất, để khuyến khích phát triển hợp lý điện mặt trời tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế phát triển, Bộ Công thương cũng đã đề xuất phương án 2 vùng.
Sau đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 30/7/2019, Bộ Công thương lại được yêu cầu nghiên cứu bổ sung phương án áp dụng một mức giá điện mặt trời trên toàn quốc. Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và cho rằng, đề xuất áp dụng chung một giá mua điện mặt trời của Bộ Công thương chưa hợp lý, cần xem xét.
Chưa kể, theo rất nhiều ý kiến, vấn đề đấu thầu chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện mặt trời giúp minh bạch và giảm được giá mua điện mặt trời cao như thời gian qua đang thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan chức năng.
Thực tế trên cho thấy, khi không có quy hoạch chuẩn thì mọi việc đều bị động.
Bùng nổ điện mặt trời
Đến thời điểm hết tháng 6/2019, cả nước có 88 dự án điện mặt trời nối lưới với tổng công suất gần 4.500 MW và 154,6 MW điện mặt trời mái nhà vào vận hành phát điện. Ngoài ra, còn có hơn 200 dự án điện mặt trời với tổng công suất 17 GWp đang đăng ký triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.